Dấu hiệu có thai sớm sau 1 tuần mẹ cần biết

0 Comments
Dấu hiệu có thai tuần đầu phổ biến là buồn nôn và nôn.

Mỗi người phụ nữ đều trải qua hành trình mang thai theo một cách rất riêng. Có những người nhận thấy cơ thể mình thay đổi rõ rệt với các dấu hiệu mang thai điển hình, nhưng cũng có người không cảm nhận được bất kỳ biểu hiện nào. Dù vậy, với những ai đang mong ngóng “tin vui,” việc lắng nghe những thay đổi nhỏ nhất của cơ thể và tìm hiểu về các dấu hiệu mang thai luôn mang lại những cảm xúc khó quên.

Hãy cùng khám phá chi tiết 20 cách nhận biết có thai sớm, từ những biểu hiện dễ nhận thấy đến những triệu chứng ít ngờ tới, để bạn chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình làm mẹ nhé!

I. Dấu hiệu có thai là gì?

Dấu hiệu có thai là những thay đổi về thể chất và tâm lý xảy ra trong cơ thể người phụ nữ khi bắt đầu thai kỳ. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự hình thành và phát triển của phôi thai. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay từ tuần đầu sau khi thụ thai hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người.

Theo Healthline, các dấu hiệu mang thai sớm phổ biến bao gồm chậm kinh, thay đổi ở vùng ngực, buồn nôn, mệt mỏi và đi tiểu nhiều hơn bình thường. Đây là những tín hiệu đầu tiên mà cơ thể báo hiệu rằng bạn đang bước vào một giai đoạn mới – mang thai.

Ngoài ra, Mayo Clinic cho biết, không phải tất cả phụ nữ mang thai đều có các dấu hiệu điển hình. Một số người có thể trải qua thai kỳ mà không nhận thấy bất kỳ thay đổi lớn nào trong những tuần đầu tiên. Do đó, việc xác định thai kỳ thông qua các dấu hiệu này cần được kết hợp với các phương pháp kiểm tra như sử dụng que thử thai hoặc thăm khám bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.

II. Các dấu hiệu mang thai sớm, phổ biến

1. Trễ kinh
Một trong những triệu chứng có thai rõ ràng nhất là chu kỳ kinh nguyệt bị chậm. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và đột nhiên trễ từ 5–7 ngày sau khi quan hệ không an toàn, đây có thể là dấu hiệu bạn đã mang thai.

2. Thay đổi ở vùng ngực
Hormone hCG gia tăng trong cơ thể khi bước vào giai đoạn mang thai khiến ngực trở nên nhạy cảm hơn, có cảm giác sưng đau. Đồng thời, quầng vú cũng có thể trở nên sẫm màu hơn và núm vú có thể nhô ra rõ rệt. Nếu có các dấu hiệu này sau khi quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ thì có thể nghĩ đến việc mình mang thai

3. Đi tiểu thường xuyên
Sự thay đổi hormone kết hợp với tử cung ngày một lớn khiến áp lực lên bàng quang tăng lên, dẫn đến việc bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt vào ban đêm cũng là một trong những dấu hiệu có thai thường gặp. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn dấu hiệu này ở các tuần thai trong giai đoạn cuối tam cá nguyệt 1, và tam cá nguyệt 2.

Dấu hiệu có thai tuần đầu phổ biến là buồn nôn và nôn.

3. Cảm giác buồn nôn và nôn
Ốm nghén là triệu chứng phổ biến trong những tuần đầu thai kỳ, xuất hiện khoảng tuần thai thứ 4–6. Nhiều chị em phụ nữ cho biết họ dễ có cảm giác buồn nôn vào buổi sáng nhưng cũng có người ốm nghén vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

5. Mệt mỏi kéo dài
Hormone progesterone tăng cao trong tam cá nguyệt đầu tiên khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí kiệt sức ngay cả khi không làm gì quá sức. Nếu bạn thấy bản thân có dấu hiệu này thì nên sử dụng phương pháp thử thai để kiểm tra.

6. Chướng bụng và táo bón
Bên cạnh việc khiến cho cơ thể mệt mỏi, hormone progesterone còn làm giảm hoạt động của cơ trơn đại tràng, tử cung chèn ép lên quai ruột cũng khiến nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng táo bón thai kỳ.
Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2023 được công bố trên NCBI (Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ) cho thấy 66% phụ nữ cho biết họ gặp phải tình trạng táo bón khi mang thai. Mức độ táo bón càng tăng tiến khi bước vào giai đoạn giữa và cuối thai kỳ. Mặt khác, độ tuổi mang thai của mẹ (từ 35 tuổi trở lên) cũng cho thấy tình trạng táo bón thêm nặng hơn.

7. Chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu
Việc mang thai có thể khiến hormone thay đổi và cơ thể gia tăng trao đổi chất, vận chuyển máu để nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, tình trạng chóng mặt ngất xỉu cũng sẽ thường xảy ra hơn khi não nhận không đủ máu và khí oxy. Khi đứng lên đột ngột hoặc khi nằm, mẹ bầu sẽ dễ có cảm giác xây xẩm, chóng mặt.

8. Tâm trạng thay đổi thất thường
Những thay đổi trong nồng độ hormone gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh cũng tác động tạo nên dấu hiệu có thai dễ nhận biết. Đó là việc bạn dễ trở nên nhạy cảm, vui buồn bất chợt hoặc khó kiểm soát cảm xúc. Dù vậy, nếu bạn luôn chỉ cảm thấy đau buồn, mất niềm vui thì hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ.

9. Chảy máu nhẹ ở âm đạo
Hiện tượng có thai phổ biến ở nhiều phụ nữ là chảy máu nhẹ, còn gọi là máu báo thai, xảy ra khi phôi thai bám vào niêm mạc tử cung, thường xuất hiện từ 6–12 ngày sau khi thụ tinh. Lượng máu ít, màu hồng nhạt hoặc nâu và kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Theo nghiên cứu, khoảng 25–30% phụ nữ mang thai gặp hiện tượng này trong giai đoạn đầu thai kỳ. Nhưng nếu bạn bị chảy máu nhiều, kéo dài hoặc đi kèm đau bụng dữ dội, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để loại trừ nguy cơ sảy thai hoặc thai ngoài tử cung.

10. Nhạy cảm với mùi hương
Sự thay đổi hormone hCG khiến nhiều phụ nữ mang thai trở nên nhạy cảm hơn với mùi, thậm chí buồn nôn với những mùi quen thuộc như thức ăn, nước hoa, hoặc mùi xăng dầu. Hiện tượng này thường xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên và giảm dần sau 3 tháng đầu. Trong trường hợp nhạy cảm mùi khiến bạn không thể ăn uống bình thường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.

11. Rối loạn vị giác
Cảm giác như có vị kim loại trong miệng hoặc thèm ăn bất thường là một triệu chứng phổ biến khi mang thai sớm. Một nghiên cứu đăng trên Frontiers in Psychology cho thấy, khoảng 70% phụ nữ mang thai trải qua thay đổi khẩu vị do sự gia tăng estrogen và progesterone. Mẹo khắc phục dấu hiệu có thai này, đó là hãy ăn các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt để giảm bớt cảm giác khó chịu trong miệng.

12. Khó thở hoặc hụt hơi
Sự gia tăng nhu cầu oxy để nuôi dưỡng thai nhi khiến mẹ bầu dễ cảm thấy khó thở hoặc hụt hơi, đặc biệt khi vận động. Đây là triệu chứng thường gặp trong cả giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Tuy nhiên nếu khó thở đi kèm đau ngực hoặc nhịp tim không đều, hãy liên hệ bác sĩ ngay để kiểm tra nguy cơ huyết khối hoặc thiếu máu.

13. Đau lưng vùng dưới
Sự phát triển của tử cung gây áp lực lên cơ và dây chằng ở lưng dưới, dẫn đến đau nhức. Tình trạng này thường gặp ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm. Giải pháp dành cho mẹ là các bài yoga nhẹ nhàng, hoặc sử dụng gối hỗ trợ khi ngủ để giảm áp lực lên lưng.

14. Tăng nhiệt độ cơ thể nhẹ
Nhiệt độ cơ thể mẹ bầu sẽ tăng nhẹ từ 0,3–0,5°C do hormone progesterone tăng cao trong thai kỳ. Đây là dấu hiệu có thai khá phổ biến ở phụ nữ mang thai và thường kéo dài trong suốt giai đoạn 3 tháng đầu thai. Nhưng nếu nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38,5°C kèm theo ớn lạnh thì mẹ nên đi khám vì đây có thể là báo hiệu của tình trạng cơ thể sốt do nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi.

15. Cổ tử cung tiết dịch nhiều hơn
Chất nhầy cổ tử cung dày lên để bảo vệ thai nhi khỏi các vi khuẩn bên ngoài trong quá trình mang thai. Điều này khiến vùng kín luôn có cảm giác ẩm ướt, đặc biệt trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất. Bạn nên lưu ý nếu trường hợp dịch tiết có mùi hôi hoặc màu sắc bất thường, hãy tham khảo bác sĩ để kiểm tra nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.

16. Xuất hiện rôm sảy
Thân nhiệt tăng và mồ hôi nhiều khiến da mẹ bầu trong giai đoạn mang thai dễ nổi rôm sảy, đặc biệt ở các vùng có nếp gấp như cổ, ngực, và bụng. Do đó hãy giữ vệ sinh da sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát và tránh các loại vải dễ gây kích ứng.

17. Tăng cân bất thường
Mặc dù trong giai đoạn đầu, cân nặng thường không thay đổi nhiều, nhưng một số phụ nữ có thể cảm thấy cơ thể nặng nề hơn do giữ nước và thay đổi nội tiết tố. Vì thế việc cần làm là luôn theo dõi cân nặng thường xuyên để đảm bảo thai kỳ phát triển bình thường, tránh nguy cơ tăng cân quá mức.

18. Thay đổi sắc tố da
Da mặt, bụng hoặc vùng ngực có thể sạm màu hơn, được gọi là nám da thai kỳ (chloasma). Điều này xảy ra do sự gia tăng hormone estrogen và progesterone. Khi có dấu hiệu này, bạn nên thử thai. Và trong quá trình mang thai, bạn nên sử dụng kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc da an toàn dành cho phụ nữ mang thai.

19. Chảy máu nướu răng
Một số phụ nữ có thể gặp dấu hiệu có thai thể hiện ở hiện tượng chảy máu nướu răng, thường do sự gia tăng lưu lượng máu và hormone trong thai kỳ làm nướu nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng và chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa

20. Nghẹt mũi, sổ mũi
Nghẹt mũi cũng là một dấu hiệu phổ biến. Sự gia tăng hormone và lưu lượng máu làm sưng, khô màng nhầy trong mũi, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Đây là triệu chứng thường gặp trong giai đoạn đầu thai kỳ, gây cảm giác khó chịu nhưng không nguy hiểm.
Các dấu hiệu có thai này giúp bạn nhận biết và chuẩn bị sớm cho hành trình làm mẹ. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác nhận chính xác nhất nhé!

III. Làm gì khi có dấu hiệu có thai?

Dấu hiệu có thai cũng dễ gây nhầm lẫn với các triệu chứng của vấn đề sức khoẻ hoặc bệnh lý khác, do đó, mẹ hãy tham khảo các bước sau nên làm khi xác định bản thân có thể có khả năng đang mang thai. Đó là:

  1. Khám thai sớm
    Để xác nhận chính xác việc mang thai, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe tổng quát và siêu âm nhằm loại trừ các nguy cơ như thai ngoài tử cung.
  2. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng
    Đảm bảo bạn nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết như axit folic, canxi và sắt để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thai nhi.
  3. Nghỉ ngơi hợp lý
    Mẹ bầu cần ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và duy trì lối sống lành mạnh.
  4. Tham gia các lớp học tiền sản
    Các lớp học này giúp bạn chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân và bé yêu trong suốt thai kỳ.

Kết luận

Nhận biết sớm các dấu hiệu có thai không chỉ giúp bạn chuẩn bị tinh thần mà còn hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ những ngày đầu thai kỳ. Các dấu hiệu này thường xuất hiện sớm nhất từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ.

Nếu bạn nhận thấy cơ thể mình có các triệu chứng nghi ngờ mang thai như chậm kinh, buồn nôn, thay đổi ở vùng ngực hoặc đi tiểu nhiều lần, hãy sớm thăm khám để xác định chính xác tình trạng. Thời điểm phù hợp để bắt đầu thăm khám thai là từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 của thai kỳ. Đây là giai đoạn que thử thai có thể phát hiện hormone hCG trong nước tiểu, đồng thời siêu âm đầu dò có thể xác định sự hiện diện của túi thai trong tử cung.

Lời khuyên khi đi khám thai lần đầu:

  1. Chọn cơ sở y tế uy tín: Lựa chọn bệnh viện hoặc phòng khám có chuyên môn sản khoa tốt để đảm bảo kết quả chính xác.
  2. Thực hiện xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG và kiểm tra các yếu tố sức khỏe tổng quát.
  3. Siêu âm: Siêu âm đầu dò để xác định vị trí thai, loại trừ nguy cơ thai ngoài tử cung.
  4. Tư vấn chế độ dinh dưỡng: Nhận lời khuyên từ bác sĩ để bổ sung các vi chất cần thiết như axit folic, sắt, và canxi.

Đừng quên lên lịch khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Việc thăm khám kịp thời sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn hơn.

Nguồn tham khảo:

20 dấu hiệu mang thai sớm 2 tuần đầu dễ nhận biết – https://hellobacsi.com/mang-thai/thai-ky/tam-ca-nguyet-1/dau-hieu-mang-thai-tuan-dau/– Truy cập ngày 25/11/2024

Prevalence and severity of bowel disorders in the third trimester of pregnancy – https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC10461240/ – Truy cập ngày 25/11/2024

Common health problems in pregnancy – https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/common-health-problems/ – Truy cập ngày 25/11/2024

Emotional changes in pregnancy – https://www.tommys.org/pregnancy-information/im-pregnant/mental-wellbeing/emotional-changes-pregnancy – Truy cập ngày 25/11/2024

Vaginal Bleeding During Early Pregnancy –https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/symptoms-during-pregnancy/vaginal-bleeding-during-early-pregnancy – Truy cập ngày 25/11/2024

Symptoms of pregnancy: What happens first – https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/symptoms-of-pregnancy/art-20043853 – Truy cập ngày 25/11/2024

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *